Friday, May 14, 2010

CHỮA BỆNH


CHỮA BỆNH
QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO TÂY TẠNG
Ven. Pende Hawter - Việt dịch : Mỹ Thanh

Chữa bệnh là gì ? Chúng ta hiểu gì về chữa bệnh ? Có phải chúng ta nói chữa bệnh về thân, chữa bệnh về tâm lý/tâm hồn/tâm thức, hoặc cả thân lẫn tâm. Sự liên quan giữa thân và tâm là gì ?


Vô số kỹ thuật chữa bệnh hiện đại được xem là cách chữa trị hữu hiệu cho căn bệnh của thân thể, những triệu chứng của ung thư, AIDS, bệnh mệt mỏi kinh niên, hoặc những chứng bệnh khác. Nếu một người không hết bệnh, hoặc bệnh tình tái đi diễn lại hoặc phát tác sau một thời gian, điều nầy được xem như là cách chữa bệnh đã thất bại. Trong trường hợp nầy, việc nầy cũng rất thường xảy ra, đối với y sĩ hoặc nhà thương chăm sóc cho « bệnh nhân » hay cho rằng bệnh nhân đã làm điều gì đó sai lầm, bệnh nhân đã không tuân theo chỉ dẫn một cách nghiêm khắc, như kiêng ăn hoặc không thiền định đủ hoặc làm điều gì khác mà không tuân theo lời khuyên của y sĩ, nhà thương. Trong những trường hợp nầy, y sĩ, nhà thương đều bó tay, hết hy vọng. Để tránh các vấn đề nầy, chúng ta cần xem xét và cần có một quan điểm chữa bệnh bao hàm toàn diện, không những chỉ chữa bệnh nơi thân mà còn chữa luôn bệnh nơi tâm.

Tâm thức là Người Sáng Tạo

Để am hiểu việc chữa bệnh từ quan điểm của Phật giáo, điểm khởi đầu có ích là hãy xem xét quan niệm của Phật giáo về tâm thức. Tâm thức là một thứ không có hình thể. Nó không có hình dạng, không có màu sắc, không có giới tính và nó có khả năng nhận dạng hoặc hiểu biết. Cơ sở bản chất của tâm thức là trong sạch, không giới hạn và lan tỏa khắp nơi, giống như mặt trời chiếu rọi trong bầu trời quang đãng không gặp chướng ngại nào. Vấn đề hoặc bệnh tật mà chúng ta trải nghiệm giống như mây che phủ mặt trời. Y như đám mây lâu lâu che phủ mặt trời nhưng không cùng bản chất của mặt trời, bệnh tật và các vấn đề của chúng ta là tạm thời và nguyên nhân của nó có thể được tẩy rửa nơi tâm thức.

Từ quan điểm Phật giáo, tâm thức là kẻ sáng tạo bệnh tật và sức khỏe. Thật vậy, tin rằng tâm thức là kẻ sáng tạo tất cả các vấn đề của chúng ta. Và như vậy, nguyên nhân căn bệnh là ở nơi nội tại. Tiềm năng thật là vô hạn ! Có lẽ anh đã quen thuộc với quan niệm về nghiệp, nghĩa là hành động. Tất cả các hành động của chúng ta đều để lại dấu ấn trong dòng tâm thức và có khả năng chín muồi vào lúc nào đó trong tương lai. Tất cả những hành động nầy đều có tính cách tích cực, tiêu cực hoặc trung dung. Những hạt giống nghiệp không khi nào bị đánh mất. Những hạt giống tiêu cực có thể chính muồi bất cứ lúc nào dưới dạng tiến trình của bệnh tật ; những hạt giống tích cực hình thành dưới dạng của sự sung sướng, sức khỏe hoặc thành công.

Để chữa căn bệnh hiện tại, chúng ta phải tiến hành những hoạt động tích cực ngay bây giờ. Để ngăn ngừa bệnh hoạn xảy ra trong tương lai, chúng ta phải thanh tịnh hóa, hoặc giải tỏa, dấu ấn của nghiệp tiêu cực được giữ lại trong dòng tâm thức. Nghiệp là kẻ sáng tạo của tất cả bệnh tật và đau khổ. Nếu chúng ta không có nghiệp tiêu cực, chúng ta sẽ không bị bệnh hoặc bị người khác gia hại.
Phật giáo xác định rằng tất cả mọi thứ xảy ra cho chúng ta hiện nay là kết quả của những hành động trong quá khứ, không chỉ trong kiếp sống nầy mà trong những kiếp sống khác nữa. Những gì chúng ta làm hiện nay quyết định những gì xảy ra cho chúng ta ở tương lai. Nói về việc chữa bệnh hiện tại đến tương lai, chủ định là chú ý đến hành động của chúng ta hoặc nghiệp. Việc nầy cần có sự chánh niệm liên tục đối với tất cả hành động của thân, miệng, ý. Chúng ta cần phải tránh những hành động mang nguy hại đến cho chính chúng ta và người khác.

Như vậy, Phật giáo là một triết lý về trách nhiệm cá nhân. Chúng ta có khả năng điều khiển lấy vận mạng của mình, bao gồm trạng thái thể chất và tinh thần. Mỗi người trong chúng ta đều có tiềm năng bất tận – Tại sao có những người dễ bị bệnh trong khi các người khác lại luôn khỏe mạnh ? Hãy xem bệnh ung thư da. Tất cả những người phơi nắng hàng giờ dưới ánh mặt trời, một số bệnh ung thư da nhưng số khác lại không sao. Tình trạng bên ngoài đều giống nhau đối với tất cả mọi người, nhưng chỉ có một số người bị bệnh.

Nguyên nhân thứ hai của bệnh ung thư – mặt trời - là nguyên nhân bên ngoài, nhưng nguyên nhân chính là các hành động quá khứ - dấu ấn để lại trong tâm thức là nguyên nhân nội tại. Cũng vậy, tất cả những người bệnh ung thư thường có những phản ứng khác nhau đối với cùng một loại thuốc trị. Một số người thì có thể lành bệnh hoàn toàn. Một số người thì khỏi bệnh chỉ trong một thời gian rồi lại tái phát. Số người khác thì bệnh trạng nặng lại hơn và qua đời. Như thế, nói một cách hợp lý, ta nên nhìn lại tâm thức để hiểu rõ về nguyên nhân của các kết quả khác nhau. Phật giáo cho rằng để trị dứt căn bệnh, không những chỉ chữa trị căn bệnh bằng thuốc men, hoặc những cách chữa trị khác, mà còn phải trị luôn nguyên nhân gây ra bệnh trạng, nó bắt nguồn từ tâm thức. Nếu chúng ta không chữa trị hay thanh tịnh hóa bản tâm, bệnh hoạn và vấn đề sẽ còn tái diễn hoài hoài.

Đây giới thiệu sơ về « cách chữa trị cao nhất ». Để dẹp bỏ hết những « rác rưởi » khỏi tâm thức, khi có thể dẹp bỏ tất cả những dấu ấn, hành động, và những ý nghĩ xấu trong quá khứ, chúng ta vĩnh viễn có thể thoát khỏi bệnh hoạn và các vấn đề. Chúng ta có thể đạt được cách chữa bệnh cao nhất – đó là một trạng thái vĩnh viễn với hạnh phúc và sức khỏe khang kiện. Để chữa bệnh cho tâm thức và thân thể, chúng ta phải diệt trừ những ý nghĩa và dấu ấn tiêu cực, và thay thế bằng những dấu ấn, ý nghĩ tốt lành. Kẻ thù nội tại. Gốc rễ của tất cả bệnh tật và vấn đề của chúng ta là sự ích kỷ, mà chúng ta có thể gọi nó là kẻ thù nội tại. Tính ích kỷ làm cho chúng ta có những hành động tiêu cực, và hành động xấu nầy tạo nên dấu ấn tiêu cực trong dòng chảy của tâm thức.

Những hành động tiêu cực do thân, khẩu hay ý, như những ý nghĩ ganh tỵ, giận dữ và tham lam. Những ý nghĩ ích kỷ làm tăng lòng tự kiêu, và kết quả là có thêm những cảm giác ganh tỵ đối với những người giỏi hơn chúng ta, và làm cho ta có cảm giác tự mãn, kiêu căng đối với những người dở hơn chúng ta, và có tính hay cạnh tranh để đạt cho bằng được điều mình muốn. Tất cả những cảm giác nầy làm cho tâm thức không vui, và bị dao động. Mặt khác, những ý nghĩ và hành động làm lợi ích cho người khác sẽ đem lại niềm hạnh phúc và an lạc cho tâm.

Sống tỉnh thức, Chết tỉnh thức

Việc quan trọng là tìm hiểu để biết xem khi chết, chúng ta sẽ ra sao. Khái niệm Phật giáo cho rằng lúc lìa đời, tiềm thức chứa đựng tất cả những dấu ân nghiệp thức từ các đời quá khứ, sẽ xa rời thể xác. Sau bốn mươi chín ngày giữa trạng thái trung ấm giữa các đời sống, thần thức sẽ thọ vào bào thai của người mẹ, hoặc ngay lúc giao hợp. Thế là một đời sống mới bắt đầu. Chúng ta mang theo vào mỗi đời sống mới một chuỗi lịch sự dài của những hành động quá khứ với tiềm năng có cơ hội chín muồi vào bất cứ lúc nào hoặc xuyên qua vô số phương tiện khác nhau.

Tâm thức lúc sắp chết rất là quan trọng và có thể ảnh hưởng đến tình trạng tái sinh của chúng ta. Như vậy, nhu cầu chuẩn bị tốt cho cái chết, và để chúng ta có khả năng tiến gần đến cái chết với một tâm thức an ổn, yên tịnh và thanh thản. Cái chết tự nó là việc tự nhiên, cái chết đến vì mạng sống chấm dứt, hoặc vì những chướng ngại nào đó mà chấm dứt không đúng lúc. Những chướng ngại xuất hiện từ tâm thức và có thể bị làm mất tác dụng bằng nhiều cách khác nhau. Một phương pháp thường được sử dụng trong Phật giáo Tây Tạng, để dời bỏ những chướng ngại trong cuộc sống, cần phải thực hành pháp phóng sinh. Thí dụ, các thú vật sắp sửa bị làm thịt hoặc bị làm mồi câu được mua về và phóng sanh.

Đối với những người đang bị những chứng bệnh khó chữa, điều quan trọng là thoát khỏi bệnh tật không có nghĩa là anh sẽ sống thọ. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra cái chết, và cái chết có thể đến với bất cứ ai vào bất cứ lúc nào. Không chỉ thuốc thang Tây Tạng nổi tiếng và có hiệu quả. Thông thường là thuốc sử dụng là dược thảo, nhưng yếu tố đặc biệt nhất là quá trình làm thuốc, khi dược thảo được bào chế thì quý thầy tụng kinh và niệm chú, như vậy thuốc có hiệu quả cao hơn. Người ta cho rằng, dùng dược thảo loại nầy giúp chữa lành căn bệnh, hoặc giả, nếu người bệnh sắp chết, thì họ sẽ ra đi nhanh chóng, một cách thanh thản và không đau đớn. (Một học thuyết dựa trên kinh nghiệm cá nhân, thuốc đắng và khó uống cho nên người bệnh muốn mau bình phục để khỏi phải uống hoài loại thuốc nầy !)

Thuốc và nước được chúc phúc lành và sử dụng một cách rộng rãi. Tâm linh càng phát triển nơi một người thì sự chúc phúc và thực tập chữa bệnh càng có hiệu quả mạnh mẽ. Những viên thuốc nầy thường chứa đựng những di vật của các vị thiền sư, và thánh nhân nổi tiếng và sức mạnh được ban cho các viên thuốc đó., Vô số Lạt-ma Tây Tạng đã thổi hơi vào chỗ đau trên thân thể để làm giảm cơn đau hoặc để chữa lành vết thương. Tôi đã nhìn thấy một người bệnh AIDS (SIDA) có chân đau, và sau khi vị lạt-ma đã ngồi thiền miên mật và thổi vào chân anh trong vòng hai mươi phút, sau đó chân anh đã hết đau.

Lòng từ là năng lực để chữa lành bệnh.

Hình dung hay mường tượng cũng là một cách chữa bệnh mạnh mẽ. Một phương pháp hình dung một ánh sáng tròn như trái banh trên đỉnh đầu, với các tia sáng chiếu soi tất cả phương hướng. Hãy tưởng tượng ánh sáng lan rộng xuyên suốt cơ thể, phân hủy hoàn toàn tất cả các bệnh tật và vấn đề. Chú tâm đến hình ảnh cơ thể hoàn toàn bình phục, trong ánh sáng. Cách thiền nầy được xem có năng lực mạnh mẽ khi sử dụng cùng với sự hình dung về các hình ảnh thiêng liêng và niệm chú.

Tôi thường hay nói với các bệnh nhân Thiên chúa giáo là hãy hình dung ánh sáng như là chúa Jesus, với ánh sánh từ nơi chúa Jesus. Truyền thống Tây Tạng có vô số đức Phật (thần) được mường tượng trong khi niệm chú. Đức Phật Dược Sư ; Chenrezig, hoặc Bố tát Avalokiteshvara (Quán Âm Từ Bi) ; hoặc một trong những vị có thọ mạng lâu dài như đức Phật Amitabha (A Di Đà). Các vị thần có nhiều khía cạnh an lạc, hòa bình hoặc dữ tợn. Các vị dữ thường được sử dụng để chữa những căn bệnh nặng như AIDS (SIDA). Nếu anh không cảm thấy thoải mái với những hình ảnh nầy, anh có thể sử dụng những vật khác như thủy tinh, hoặc đơn giản hình dung tất cả những năng lượng chữa bệnh phổ thông thấm nhuần vào cơ thể anh, biến đổi thân thể anh trở thành ánh sáng, và hãy tưởng tượng là anh đã hoàn toàn bình phục.

Qua bao thế kỷ vô số người sử dụng các phương pháp nầy và đã bình phục, kể cả những bệnh như phong hủi, tê liệt và ung thư. Mục đích của những thực tập nầy là để chữa lành tâm cũng như thân, để các chứng bệnh và các vấn đề không tái phát trong tương lai. Vô số chứng bệnh có liên quan đến việc tâm linh bị hư hại. Các vị Lạt-ma và các vị tu hành hay đọc những bài kinh và chú hoặc làm lễ cầu nguyện để chấm dứt việc tâm linh bị nguy hại và giúp cho người bệnh được khỏe lại. Một cô gái bảy tuổi bị chứng động kinh mà tôi quen, chứng động kinh biến mất sau các buổi lễ đọc kinh cầu nguyện. Bất cứ lúc nào khi cô gái bị cơn động kinh, cô ta đều thấy những hình ảnh ghê rợn tiến về phía cô. Sau các buổi lễ cầu nguyện, các cơn động kinh giảm dần và cô nhìn thấy một bức tường gạch ngăn cách cô và hình ảnh ghê sợ kia. Bức tường nầy là màu sác của chiếc áo tu sĩ. Dần dà các cơn động kinh và hình ảnh đó cùng nhau biến mất. Tóm lại, chúng ta có thể nói những vật dụng cần thiết trong tiến trình chữa bệnh, cho cả người chữa và người bệnh, là sự từ bi, lòng tin và phẩm hạnh đạo đức.

Thay đổi tâm thức

Phương pháp chữa bệnh mạnh mẽ khác trong Phật giáo Tây Tạng là thiền định về những bài pháp được xem là thay đổi suy nghĩ. Những phương pháp nầy giúp cho anh nhận thấy vấn đề hoặc bệnh tật như một điều tích cực nào đó. Một vấn đề chỉ là vấn đề nếu chúng ta gọi nó là vấn đề. Nếu chúng ta nhìn vào một vấn đề một cách khác hẳn, chúng ta có thể thấy đây là một cơ hội để ta trưởng thành hoặc thực tập, và xem nó là một điều tích cực. Chúng ta có thể nghĩ rằng vấn đề nầy đang chính muồi từ nghiệp quá khứ, và sẽ không xuất hiện trong tương lai. Nếu một người giận ta, ta có thể chọn lựa tức giận lại hoặc là cảm ơn họ đã cho ta cơ hội để thực tập nhẫn nhịn và thanh tịnh hóa cái nghiệp nầy. Cần phải thực tập rất lâu, rất nhiều để có thể làm chủ những phương pháp nầy, ta có thể làm được. Chỉ là khái niệm của chúng ta thường hay mang lại cho ta sự sợ hãi và đau khổ. Thí dụ, có một số triệu chứng, dấu hiệu nào đó, và bác sĩ đặt tên « AIDS » hoặc ung thư.
« Cái chết » là một biệt hiệu khác có thể gây ra nhiều sợ hãi. Nhưng thực tế « cái chết » chỉ là một nhãn hiệu dành cho tình trạng : khi ý thức rời khỏi thân thể, và như vậy không có cái chết thật sự từ phía của nó. Điều nầy cũng liên quan đến khái niệm về « bản ngã » và tất cả những hiện tượng khác. Nó chỉ là những khái niệm và sự hiện hữu độc lập của nó là không thật.

Lạt-ma Zopa Rinpoche, một vị lạt-ma Tây Tạng đã giác ngộ, ngài nói rằng phương pháp chữa bệnh mạnh mẽ nhất, tất cả đều dựa vào từ bi, mong muốn giải thoát những chúng sinh khác khỏi đau khổ. Tâm thức từ bi – yên bình, an lạc, vui vẻ và thư giãn – là môi trường chữa bệnh lý tưởng. Một tâm thức tràn đầy từ bi chấm dứt việc chỉ nghĩ đến tình trạng đau khổ của chính bản thân. Bằng cách nghĩ tới những người khác, chúng ta nhận rõ không phải chỉ nỗi đau riêng của ta mà còn là nỗi đau của tất cả chúng sinh.

Nhiều người cho rằng kỹ thuật sau rất là hiệu quả và mạnh mẽ : Hãy nghĩ « Tôi đang trải nghiệm căn bệnh nầy hoặc nỗi đau hay vấn đề nầy, nguyện cho tất cả các chúng sinh khác trên thế giới đều thoát khỏi bệnh tật, đau đớn và khổ não » hay « Tôi đang trải nghiệm nỗi đau, căn bệnh, vấn đề nầy thay thế cho tất cả chúng sinh khác. » Một người tự nguyện nhận lấy nỗi đau thay thế cho tất cả các chúng sinh khác, như chúa Jesus đã chịu nạn trên thánh giá. Kể cả cái chết cũng có thể sử dụng theo phương thức nầy : « Tôi trải nghiệm cái chết, nguyện cho tất cả các chúng sinh khác thoát khỏi sợ hãi và khó khăn trong tiến trình hấp hối. » Chúng ta phải tự hỏi « Mục đích cuộc sống của tôi là gì ? Tại sao tôi mong muốn mình có sức khỏe tốt và sống lâu ? » Mục đích tối hậu của cuộc sống là để làm lợi ích cho chúng sinh. Nếu như chúng ta sống lâu hơn và chỉ tạo ra toàn những nghiệp xấu, tiêu cực, thì cuộc sống thật là vô ý nghĩa.

Cho và nhận cũng là một cách thiền có mãnh lực. Như khi anh hít vào, hãy hình dung là nhận lãnh đau khổ và nguyên nhân đau khổ của tất cả các chúng sinh, dưới dạng một làn khói đen. Khi hít vào làn khói đen, hãy hình dung làm vỡ tảng đá đen ích kỷ nơi tâm, hãy để cho lòng từ bi hiển hiện một cách tự do. Khi anh thở ra, hãy hình dung thở ra ánh sáng trắng mang hạnh phúc, niềm vui và trí tuệ đến các chúng sinh. Hãy phát triển lòng từ, việc nầy quan trọng hơn là có nhiều bạn, được giàu sang, học thức. Tại sao như vậy ? Bởi vì chỉ có lòng từ bi mới bảo đảm mang lại tâm thức vui vẻ, an lạc, và tâm thức an lạc là tốt nhất để giúp chúng ta vào lúc lâm chung. Chúng ta có thể sử dụng căn bệnh và vấn đề của chúng ta như một phương pháp mạnh mẽ để phát triển tâm linh, kết quả trong việc phát triển lòng từ bi và trí tuệ.

Phát triển cao nhất của các phẩm chất là nhận thức hoàn toàn về tiềm năng của ta, trạng thái giác ngộ hoàn hảo. Sự tỉnh thức mang lại cho ta rất nhiều lợi ích, và cho phép chúng ta giúp đỡ mọi người một cách rộng rãi. Đây là trạng thái cao tột để chữa lành căn bệnh.